XÂY DỰNG CON NGƯỜI VIỆT NAM THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
Lượt xem:
XÂY DỰNG CON NGƯỜI VIỆT NAM THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Muốn chủ nghĩa Cộng sản thực hiện được, cần phải có kỹ nghệ, nông nghiệp và tất cả mọi người đều được phát triển hết khả năng của mình”. Đó chính là mục tiêu mà chủ nghĩa xã hội hướng tới: giải phóng con người nhằm phát triển mọi tiềm năng, giá trị nhân cách của con người.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, Đảng ta đã xác định: xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng là một xã hội con người được giải phóng, nhân dân lao động làm chủ đất nước; có nền kinh tế phát triển cao và nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện để phát triển toàn diện cá nhân; công bằng xã hội và dân chủ được bảo đảm.
Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng con người là hai nhiệm vụ mang tầm chiến lược to lớn trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Hai nhiệm vụ đó có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau, vừa là điều kiện, vừa là tiền đề của nhau, trong đó xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngược lại, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo những tiền đề vật chất, kỹ thuật và văn hóa, xã hội phục vụ chiến lược con người.
Con người trong quan niệm của Hồ Chí Minh và của Đảng ta không phải là con người trừu tượng mà là những cá nhân, những tập thể, những tầng lớp người cụ thể. Vì hạnh phúc của mỗi người “dân” của “đồng bào” và của cả dân tộc Việt Nam là mục tiêu phấn đấu của Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay trong thời kỳ cách mạng giành độc lập cho dân tộc, Hồ Chí Minh đã nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Nội dung xây dựng con người Việt Nam theo nghĩa rộng có mối quan hệ mật thiết với phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, tinh thần. Theo nghĩa hẹp, xây dựng con người trước hết và cơ bản dựa trên giáo dục và đào tạo. Bởi, thực chất nội dung xây dựng con người là xây dựng về mặt nhân cách, cụ thể là xây dựng một hệ thống giá trị về đạo đức, trí tuệ, thể lực, kỹ năng, tâm hồn… làm cho con người có những phẩm chất và năng lực mới đáp ứng được những yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng xây dựng con người Việt Nam một cách toàn diện, Người luôn đặt lên hàng đầu mặt tư tưởng, đạo đức, lối sống. Theo Hồ Chí Minh, con người mới xã hội chủ nghĩa được biểu hiện:
– Yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, một lòng một dạ trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng. Dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Có tinh thần quốc tế trong sáng.
– Có đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
– Sống theo đạo lý Việt Nam nhân ái, bao dung, hiếu thảo, khiêm tốn, trung thực, cần cù, giản dị, đoàn kết cộng đồng, hết lòng “mình vì mọi người”.
– Yêu lao động, tận tụy, quên mình, lao động bền bỉ, tự giác, sáng tạo, có ý thức tổ chức kỷ luật, ham học hỏi cầu tiến bộ, có năng lực chuyên môn tốt, có tri thức hiện đại. Đời sống văn hóa tình thần lành mạnh, phong phú.
– Có năng lực để làm chủ bản thân, gia đình và công việc. Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, văn hóa, khoa học kỹ thuật.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) đã xác định những tiêu chuẩn xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới với những đức tính sau:
– Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
– Có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung.
– Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái.
– Lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội.
– Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực.
Nội dung xây dựng con người Việt Nam hiện nay, thể hiện trên ba mặt:
Thứ nhất, về tư tưởng: kiên định trong việc lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa, gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Giữ vững bản chất giai cấp công nhân, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng để đưa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta thắng lợi hoàn toàn, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, xã hội công bằng, văn minh.
Thứ hai, về đạo đức: Một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân; luôn luôn trung thực, khiêm tốn, giản dị, trong sạch; đoàn kết tương thân tương ái, tôn sư trọng đạo, tôn vinh những người có công với nước; giữ đạo hiếu trong gia đình, biết ơn tổ tiên, cha ông; sống thủy chung, tình nghĩa, hợp đạo lý.
Cụ thể: Đối với thiếu niên nhi đồng là yêu Tổ quốc, yêu lao động, yêu học tập, khiêm tốn, thật thà, dũng cảm, giữ gìn vệ sinh, vâng lời cha mẹ và thầy cô giáo; đối với thanh niên là phấn đấu, rèn luyện, cống hiến đức – tài, xứng đáng là người kế tục sự nghiệp cách mạng; đối với phụ nữ là đảm đang, trung hậu, đảm việc nhà, giỏi việc nước; đối với công nhân, nông dân, trí thức là tích cực tham gia vào mọi công việc xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, là những chiến sĩ trên mặt trận của mình, vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; đối với phụ lão là hăng hái động viên con cháu tham gia vào việc nước, nêu gương đạo đức, lối sống cho con cháu noi theo.
Thứ ba, về lối sống: Yêu lao động, tận tụy, quên mình, lao động bền bỉ, tự giác, sáng tạo vì lợi ích chung của xã hội. Sống trung thực, trọng sự thật, trọng chân lý, yêu lẽ phải, ghét sự giả dối. Can đảm, đấu tranh bảo vệ lẽ phải, sự thật công lý; chống cách sống tùy thời, cơ hội chủ nghĩa. Sống giản dị, tiết kiệm, trọng sự thiết thực, trọng thực chất, không phù phiếm hình thức, phô trương một cách giả tạo.
Giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, không sao chép, bắt chước thị hiếu, nhu cầu có tính chất đua đòi. Sống khiêm nhường, bao dung, nhân ái, thủy chung, nhân hậu. Trọng tình nghĩa, đề cao đạo lý và các giá trị tinh thần, nâng niu, tôn trọng giá trị con người. Cư xử có lý có tình, thấu tình đạt lý, ăn ở với nhau có tình có nghĩa. Bên cạnh đó, chúng ta phải thường xuyên tuyên truyền những nội dung cơ bản, giá trị cốt lõi tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Đảng ta chỉ đạo triển khai thực hiện hiện nay, trong đó có chứa đựng nội dung xây dựng con người mới về tư tưởng, đạo đức và lối sống theo tư tưởng Hồ Chí Minh./.